Bất chấp thị trường bất động sản (BĐS) trầm lắng, sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực vẫn liên tục tăng giá.
Hiện tượng lệch pha giữa các phân khúc
Từ cuối năm 2022, thị trường BĐS ghi nhận sự giảm tốc rõ rệt. Nhiều dự án chững lại, phải giãn tiến độ thanh toán hoặc tăng thêm chính sách ưu đãi cho khách hàng. Đặc biệt, các sản phẩm ít đáp ứng nhu cầu thực và mang tính đầu cơ cao như đất nền, condotel, shophouse xa khu dân cư… khó có thanh khoản.
Trái ngược với hiện tượng trên, phân khúc đáp ứng nhu cầu thực như chung cư, nhà thổ cư, nhà phố trung tâm có thể sinh sống và kinh doanh được ngay lại liên tục tăng giá. Theo báo cáo thị trường nửa cuối 2023 của Savills, giá sơ cấp chung cư tại Hà Nội đã đạt 58 triệu VNĐ/m2, tăng 7% theo quý và 12% theo năm. Giá sơ cấp trung bình đã tăng liên tiếp trong 20 quý. Ghi nhận thực tế trên thị trường, trước thềm Tết Nguyên đán 2024, giá nhà thổ cư nội thành Thủ đô cũng đột ngột tăng ở mức vài trăm triệu đồng/căn với lượng giao dịch tăng đột biến.
Hiện tượng lệch pha giữa các phân khúc cho thấy, bên cạnh dòng tiền đầu tư sinh lời thường có chu kỳ ngắn hạn và dễ bị tác động bởi kinh tế vĩ mô, thì một lượng lớn dòng tiền từ người mua thực lại là “bệ đỡ” duy trì thị trường trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái.
Nói như vậy không có nghĩa các nhà đầu tư BĐS khôn ngoan sẽ ngừng xuống tiền, đặc biệt khi lãi suất tiền gửi liên tục giảm, hiện chỉ bằng ½ so với thời kỳ đỉnh; chứng khoán diễn biến chưa rõ ràng và vàng tiếp tục tăng phi mã.
Trải qua một cơn “say sóng”, giới đầu tư giờ đây đã cẩn trọng hơn khi lựa chọn sản phẩm. Anh Nguyễn Quốc Hưng – nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết: “Giờ đầu tư vào những dự án tầm nhìn 5 – 10 năm thì rất rủi ro, tôi sẽ mua nếu sản phẩm có thể ở được hoặc cho thuê lấy dòng vốn trả lãi ngân hàng. BĐS có lẽ sẽ khó lặp lại giai đoạn tăng trưởng nóng để lướt sóng nữa”.
Trong 3 tháng đầu năm 2024, nhiều dự án đã bắt đầu tung sản phẩm ra thị trường, khiến thị trường chung trở nên lạc quan hơn.